Phần 1: Bản đồ năng lực và khung năng lực là gì?

Ý nghĩa bản đồ năng lực

Mỗi nhân viên là một cá thể độc lập với năng lực riêng biệt. Do đó, các doanh nghiệp cần xác định được từng vị trí trong công ty đang cần những kỹ năng, kiến thức nào để phân bố nguồn nhân lực phù hợp. Và đây là lúc mà bản đồ năng lực cần được thiết lập.

Bản đồ năng lực là một trong những kỹ thuật được sử dụng nhằm xác định những yêu cầu chính cho từng vị trí. Và nếu thỏa mãn những yêu cầu này thì sẽ góp phần đem đến thành công cho tổ chức hoặc dự án.

Trên thực tế, việc này rất khó để thực hiện một cách khoa học và khách quan, nhưng đây sẽ là công cụ đắc lực trong việc Quản trị Nhân sự.

Ý nghĩa của bản đồ năng lực là gì?

Trước tiên, việc mà các chuyên gia Nhân sự ngày nay cần thực hiện, là xác định được vị trí nào sẽ giúp cho nhân viên phát huy hết những khả năng của mình. Sự kết hợp chính xác giữa đặc thù công việc và năng lực chuyên môn của cá nhân sẽ gia tăng hiệu suất vượt bậc. Và tất cả sẽ được thể hiện qua bản đồ năng lực.

Hơn nữa, bản đồ năng lực sẽ giúp định nghĩa một cách chính xác những năng lực cần có. Cũng như những hành vi đi kèm theo nó (được gọi là Biểu hiện hành vi hoặc BI). Điều này sẽ giúp người làm Nhân sự xác định rằng nhân viên có sở hữu những năng lực cần thiết hay không. Và nếu có, thì đang ở mức độ nào (được gọi là Mức độ thành thạo hoặc PI). Các yếu tố trên sẽ được thiết lập thành sơ đồ, để bất kỳ ai nhìn vào bản đồ năng lực đều có thể diễn giải nó một cách dễ dàng.

Quá trình này cực kỳ quan trọng, vì bản đồ năng lực là trung tâm cho mọi sự phát triển nguồn nhân lực trong một tổ chức. Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ đề cập đến tất cả các khía cạnh của phương pháp thiết lập bản đồ năng lực trong thực tế. Và bạn sẽ thấy được tính hiệu quả của nó khi ứng dụng.

Năng lực là khả năng thực hiện một công việc thành công và hiệu quả. Theo đó, bản đồ năng lực sẽ hướng dẫn bạn phải làm gì để năng lực của bản thân trở nên phù hợp với vị trí mong muốn. Hơn nữa, điều này cũng giúp ít rất nhiều trong việc lựa chọn nhân sự phù hợp ngay từ đầu.

Định nghĩa về bản đồ năng lực

Thiết lập bản đồ năng lực là quá trình xác định các kỹ năng, kiến ​​thức và hành vi, mà nhân viên cần có để có thể làm việc hiệu quả tại một vị trí cụ thể. Khi tổng hợp tất cả bản đồ năng lực trong tổ chức, bạn sẽ có được một bộ khung năng lực. Bản đồ năng lực thường được gọi là hồ sơ năng lực hoặc hồ sơ kỹ năng.

Các ứng dụng của bản đồ năng lực

Một số ứng dụng thực tế của bản đồ năng lực bao gồm

Ứng dụng bản đồ năng lực

1. Đánh giá công việc

Bằng cách phân tích các kỹ năng cần có để thực hiện một công việc, bản đồ năng lực có thể giúp phân bổ nguồn nhân lực vào những vị trí phù hợp. Và cũng dựa trên bản đồ này, quy trình đánh giá nhân viên sẽ được thực hiện chính xác và khách quan hơn.

2. Lập kế hoạch dự án

Khi có những dự án mới, bản đồ năng lực sẽ giúp dễ dàng xác định những nhân viên nào có thể tham gia phụ trách. Từ đó, kế hoạch dự án cũng sẽ được lập dựa trên khả năng của nhân viên.

3. Quản lý hiệu suất

Bản đồ năng lực còn cho thấy khoảng trống giữa năng lực hiện có của nhân viên và năng lực cần có để thực hiện công việc. Bằng cách xác định và lấp đầy khoảng trống này, việc quản lý hiệu suất có thể được tiến hành liền mạch.

4. Phân tích công việc

Bản đồ năng lực sẽ giúp người làm Nhân sự hiểu rõ từng vị trí trong tổ chức. Điều này tạo tiền đề cho quá trình phân tích công việc. Để từ đó xác định được:

  • Ở từng công việc cụ thể, nhân viên có những nhiệm vụ, trách nhiệm gì?

  • Nhân viên cần thực hiện những hoạt động nào, tại sao phải thực hiện và thực hiện như thế nào?

  • Những máy móc, thiết bị, công cụ nào được sử dụng?

  • Những mối quan hệ nào được thực hiện?

  • Các điều kiện làm việc cụ thể là gì?

5. Kế hoạch kế nhiệm

Việc lập bản đồ năng lực sẽ tạo ra một lộ trình rõ ràng cho kế hoạch kế nhiệm. Nhân viên cấp dưới sẽ thấy rõ được những kiến thức, kỹ năng nào cần trau dồi để đảm nhiệm được những vị trí cao hơn.

6. Tuyển dụng

Bản đồ năng lực sẽ hỗ trợ cho mọi giai đoạn trong quá trình tuyển dụng từ việc lựa chọn ứng viên phù hợp cho đến việc thiết lập chương trình đào tạo.

7. Kế hoạch phát triển cá nhân

Khi nhân viên nhận thức rõ được khoảng cách giữa năng lực hiện tại và năng lực cần có, họ sẽ có ý thức phát triển bản thân hơn. Nhân viên sẽ thấy rõ họ cần phải làm gì để hoàn thiện năng lực và thăng tiến trong công việc.

MỘT SỐ CÔNG CỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG CHO BẢN ĐỒ NĂNG LỰC

  • PHỎNG VẤN
  • CÂU HỎI KHẢO SÁT
  • ĐƯA RA TÌNH HUỐNG CẦN XỬ LÝ
  • BÀI KIỂM TRA TÂM LÝ

Thiết lập bản đồ năng lực là việc làm cấp thiết trong việc quản trị nhân sự trong tổ chức, doanh nghiệp. Đây còn được xem là nền tảng trong quá trình định hướng, đào tạo đội ngũ kế thừa. Và để hiểu rõ hơn về quy trình các bước xây dựng bản đồ năng lực, mời bạn đến Phần 2: Làm thế nào để thiết lập bản đồ năng lực?

Dịch bởi JobTest. Nguồn: trainingindustry

Rate this post

Viết một bình luận